Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư mới bổ sung thêm một số đối tượng được ưu tiên cộng điểm thi đại học. Trong đó, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được bổ sung vào danh sách thuộc đối tượng 3, được cộng 2 điểm thi đại học. Thông tư này vừa ra đời đã nhận được không ít ý kiến trái chiều nhau.
Chính sách có đáng buồn cười?
Chiều qua (10/7), sau khi Bộ GD&ĐT chính thức lên tiếng giải thích, nhiều ý kiến vẫn không đồng tình và cho rằng đây là cách làm chính sách máy móc, thiếu thực tế.
Để nhìn nhận rõ hơn về những vấn đề xung quanh một văn bản pháp luật, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với những người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp và cả ngành Giáo dục.
Thí sinh tham dự kỳ thi ĐH-CĐ 2013 tại Hà Nội
GS. Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường cấp 3 Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) một mực cho rằng, quy định này thiếu tính thực tiễn. Không thể có chuyện bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học.
Một giả thiết được đặt ra là: Giả sử đến lúc nào đó đất nước có chiến tranh. Một bà mẹ khoảng 40 tuổi, có con trai 20 tuổi ra trận hy sinh. Bà mẹ được xét tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bà mẹ này mới chỉ có bằng cao đẳng, có nhu cầu thi đại học để nâng cấp văn bằng, phục vụ công tác. Khi đó, chính sách ưu đãi được áp dụng thì có gì không phù hợp?
Giáo sư Văn Như Cương đồng ý, chính sách ưu đãi này không sai. “Đó là một cách giải thích, tôi không phản đối. Nhưng vẫn cảm thấy buồn cười.” – Giáo sư Văn Như Cương nói.
Tuy vậy, các luật sư được hỏi đánh giá điều đó chẳng có gì đáng buồn cười.
Luật phải dự liệu trước quan hệ xã hội
Luật sư Tạ Ngọc Sơn cho rằng, các quy phạm pháp luật phải dự liệu được tất cả những trường hợp phát sinh để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội. Nhà làm luật đưa trường hợp trên vào trong đối tượng điều chỉnh của thông tư là hoàn toàn phù hợp.
Vị luật sư cho biết, theo quy định, việc xét duyệt danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” hiện nay được mở rộng, không giới hạn về độ tuổi. Hơn nữa tính chất xã hội hóa giáo dục hiện nay cũng không giới hạn độ tuổi đi học.
“Đây là một thực tế hoàn toàn có thể xảy ra.” - Luật sư Sơn nhận định.
Luật sư Phạm Thành Long
|
Theo luật sư Sơn, chính xuất phát từ góc độ pháp lý và thực tiễn cuộc sống, nên Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu quy định này và đưa “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào đối tượng điều chỉnh là phù hợp.
Luật sư Phạm Thành Long (GĐ Công ty luật Gia Phạm, Hà Nội) cho rằng, đây là một chính sách hoàn toàn bình thường. “Quan điểm của Bộ GD&ĐT nên được ủng hộ”, ông Long nói.
Theo ông Long, mỗi bộ ngành, cơ quan đều có thẩm quyền đưa ra những chính sách ưu đãi khác nhau, miễn là trong khuôn khổ pháp luật và không đi ngược lại lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Vị luật sư cho hay, chính sách mà Bộ GD&ĐT đưa ra chưa có trong thực tiễn, nhưng chính sách pháp luật có thể đi trước quan hệ xã hội.
Luật sư Long giải thích: Quan điểm xã hội được điều chỉnh bởi pháp luật, được gọi là quan hệ pháp luật. Hiện tại, đã có văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa xuất hiện quan hệ xã hội đó nên chưa phát sinh quan hệ pháp luật. Nhưng trong tương lai, khi hình thành quan hệ xã hội này, ngay lập tức đã có pháp luật điều chỉnh.
Ông Long cho rằng, trong tương lai, có thể có “bà mẹ Việt Nam anh hùng” thi đại học. “Không nhất thiết phải có quan hệ xã hội rồi mới ra văn bản pháp luật để điều chỉnh.” - Luật sư Phạm Thành Long nhấn mạnh.
Trả lời báo chí chiều qua (10/7), ông Ngô Kim Khôi (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT) cho biết, bổ sung một số đối tượng ưu tiên là để cụ thể hóa Pháp lệnh về người có công với cách mạng, Nghị định của Chính phủ về ưu tiên cộng điểm với người có công.
“Thông tư này hoàn toàn phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam”, ông Khôi nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét